1. Tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế
a) Tăng trưởng kinh tế
– Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng về quy mô sản lượng của một nền kinh tế trong một thời kì nhất định so với thời kì gốc.
– Sự tăng trưởng kinh tế được so sánh với các năm gốc kế tiếp nhau được gọi là tăng trưởng kinh tế.
b) Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế
– Tăng trưởng kinh tế được đo bằng mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc mức tăng tổng thu nhập quốc dân (GNI) trong một thời kì nhất định, thường là một năm.
– Một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế là:
+ Tổng sản phẩm quốc nội (GDP),
+ Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người (GDP/người),
+ Tổng thu nhập quốc dân (GNI);
+ Tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người (GNI/người).
2. Phát triển kinh tế và các chỉ tiêu phát triển kinh tế
– Phát triển kinh tế là một quá trình tăng tiến về mọi mặt của nền kinh tế trong một thời gian nhất định, bao hàm sự tăng trưởng kinh tế ổn định và dài hạn; đi liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hợp lí và tiến bộ xã hội.
– Các chi tiêu của phát triển kinh tế phản ánh sự chuyển biến tổng hợp của nền kinh tế cả về số lượng và chất lượng, bao gồm:
+ Tăng trưởng kinh tế (sự tăng trưởng mức sản xuất và mức sống trung bình của người dân trong một thời kì nhất định).
+ Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng hiện đại, hợp lí; tăng tỉ trọng của ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm tỉ trọng của ngành nông nghiệp trong GDP.
+ Chi tiêu về tiến bộ xã hội: Được thể hiện thông qua các chỉ số cơ bản như chỉ số phát triển con người (HDI), chỉ số đói nghèo, chỉ số bất bình đẳng xã hội.
– Phân biệt tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế:
+ Tăng trưởng kinh tế đơn thuần chỉ là sự thay đổi về lượng, chưa phản ánh sự biến đổi về chất của một nền kinh tế.
+ Phát triển kinh tế có phạm vi rộng hơn, toàn diện hơn so với tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu cuối cùng của sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia là sự tiến bộ xã hội cho con người, trên cơ sở những tiến bộ đã đạt được về mặt kinh tế.
3. Vai trò của tăng trưởng và phát triển kinh tế
– Là tiền đề vật chất để giảm bớt tình trạng nghèo đói.
– Làm cho mức thu nhập của dân cư tăng, phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của cộng đồng được cải thiện.
– Tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm.
– Tạo tiền đề vật chất cung cấp nguồn lực để củng cố an ninh quốc phòng, củng cố chế độ chính trị, tăng uy tín và vai trò quản lí của nhà nước đối với xã hội.
– Đối với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế còn là điều kiện tiên quyết để khắc phục sự tụt hậu.
4. Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững
– Tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
+ Tăng trưởng kinh tế là một nội dung của phát triển bền vững.
+ Ngược lại, phát triển bền vững tạo điều kiện thuận lợi phát huy các nguồn lực tự nhiên và xã hội để tăng trưởng kinh tế diễn ra mạnh mẽ, bền vững hơn.
>>> Xem đầy đủ kiến thức: Lý thuyết Kinh tế Pháp luật 12 – Cánh Diều
————————————
Trên đây là những tổng hợp kiến thức Lý thuyết KTPL 12 Cánh diều Bài 1: Tăng trưởng và phát triển kinh tế mà Trithucxanh đã biên soạn. Hi vọng sẽ đem lại cho các em nhiều kiến thức bổ ích trên con đường học tập và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới. Chúc các em học tốt!