Địa 12 Kết nối tri thức Bài 4: Thực hành: Viết báo cáo về sự phân hóa tự nhiên Việt Nam

Địa 12 Kết nối tri thức Bài 4: Thực hành: Viết báo cáo về sự phân hóa tự nhiên Việt Nam

Hướng dẫn giải SGK Địa 12 Kết nối tri thức Bài 4: Thực hành: Viết báo cáo về sự phân hóa tự nhiên Việt Nam (trang 27) chi tiết, dễ hiểu

Mục lục

Báo cáo về sự phân hóa tự nhiên Việt Nam

Sự phân hóa khí hậu Việt Nam theo chiều Bắc – Nam

1. Giới thiệu chung

Thiên nhiên nước ta phân hóa theo chiều bắc – nam, thể hiện rõ nhất ở sự khác biệt về nhiệt độ và cảnh quan thiên nhiên giữa phần lãnh thổ phía Bắc và phần lãnh thổ phía Nam.

2. Sự phân hoá

a. Biểu hiện

+ Phần lãnh thổ phía Bắc (toàn bộ lãnh thổ phía Bắc tới dãy núi Bạch Mã): Khí hậu đặc trưng là khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có một mùa đông lạnh. Nhiệt độ trung bình năm trên 20°C. Do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên có một mùa đông lạnh với 2 – 3 tháng nhiệt độ trung bình dưới 18°C, biên độ nhiệt độ trung bình năm cao.

+ Phần lãnh thổ phía Nam (từ dãy núi Bạch Mã trở vào phía Nam): Khí hậu mang sắc thái của khí hậu cận xích đạo gió mùa, có nền nhiệt độ cao, trung bình năm trên 25°C, biên độ nhiệt độ không quá 4 – 5°C. Khí hậu phân thành hai mùa: mùa mưa và mùa khô.

b. Nguyên nhân

– Lượng bức xạ mặt trời lớn và nhiệt độ trung bình năm cao:

+ Lượng bức xạ mặt trời lớn, cán cân bức xạ quanh năm dương. 

+ Nhiệt độ trung bình năm trên cả nước đều trên 20°C, tổng số giờ nắng trong năm dao động từ 1 400 – 3000 giờ tuỳ từng nơi.

– Lượng mưa, độ ẩm lớn:

+ Lượng mưa trung bình năm từ 1500 – 2000 mm, ở những vùng núi cao và các sườn núi chắn gió, lượng mưa có thể đạt 3500 – 4000 mm. 

+ Độ ẩm tương đối của không khí trung bình hằng năm từ 80 – 85%, cân bằng ẩm luôn dương.

– Do nằm trong khu vực nội chí tuyến bán cầu Bắc nên Việt Nam có Tín phong hoạt động quanh năm. Đồng thời, nước ta nằm trong khu vực gió mùa châu Á, chịu tác động của các khối khí hoạt động theo mùa là gió mùa đông và gió mùa hạ.

+ Gió mùa đông (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau)

Miền Bắc nước ta chịu tác động của khối khí lạnh từ áp cao Xi-bia di chuyển theo hướng đông bắc nên thường gọi là gió mùa Đông Bắc. Gió mùa Đông Bắc di chuyển về nước ta theo từng đợt.

Nửa đầu mùa đông, gió mùa Đông Bắc tạo nên một mùa đông lạnh với thời tiết lạnh khô cho miền Bắc, nửa sau mùa đông gây nên thời tiết lạnh ẩm, có mưa phùn ở vùng ven biển và đồng bằng sông Hồng.

Khi di chuyển xuống phía nam, gió mùa Đông Bắc suy yếu dần và hầu như bị ngăn lại ở dãy Bạch Mã. Từ Đà Nẵng (16°B) trở vào, Tín phong bán cầu Bắc chiếm ưu thế, gây mưa cho khu vực Trung Bộ và là nguyên nhân tạo nên mùa khô ở Tây Nguyên và Nam Bộ.

+ Gió mùa hạ (từ tháng 5 đến tháng 10)

Đầu mùa hạ, khối khí nhiệt đới ẩm từ Bắc Ấn Độ Dương qua vịnh Ben-gan di chuyển theo hướng tây nam vào nước ta, gây mưa lớn cho Nam Bộ và Tây Nguyên. Khi vượt qua dãy Trường Sơn và các dãy núi chạy dọc biên giới Việt – Lào, tràn xuống đồng bằng ven biển Trung Bộ và phần phía nam vùng Tây Bắc, khối khí này trở nên khô nóng.

Vào giữa và cuối mùa hạ, gió mùa Tây Nam xuất phát từ áp cao cận chí tuyến bán cầu Nam hoạt động mạnh, gây ra mưa lớn và kéo dài cho các vùng đón gió ở Nam Bộ và Tây Nguyên. Ở đồng bằng sông Hồng có gió đông nam từ biển thổi vào.

Hoạt động của gió mùa Tây Nam cùng với dải hội tụ nhiệt đới và bão gây mưa vào mùa hạ trên cả nước.

c. Ý nghĩa

+ Sự phân hóa khí hậu theo chiều bắc – nam đã gây ra những ảnh hưởng tới quy hoạch sản xuất, hướng chuyên môn hóa sản xuất, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp giữa phần lãnh thổ phía Bắc và phần lãnh thổ phía Nam. 

+ Phần lãnh thổ phía Bắc do có khí hậu có một mùa đông lạnh nên có thế phát triển những vùng trồng cây công nghiệp, cây ăn quả cận nhiệt đới (chè, hồi, quế, đào, lê, mận,…). Còn phần lãnh thổ phía Nam với khí hậu cận xích đạo và ưu thế về đất phù hợp phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp nhiệt đới như (cà phê, cao su, hồ tiêu, điều,…). 

+ Trong đời sống dân cư, đối với phần lãnh thổ phía Bắc có một mùa đông lạnh đã gây ra những khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất, những đợt rét đậm, rét hại, sương muối còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoa màu và chăn nuôi. Riêng với hoạt động du lịch biển của phần lãnh thổ phía Bắc vào mùa đông gần như phải ngưng trệ hoàn toàn. Ngược lại khí hậu của phần lãnh thổ Phía Nam điều hòa và dễ chịu, nên mọi hoạt động sinh hoạt sản xuất của người dân kể cả hoạt động du lịch biển đều có thể diễn ra quanh năm.

>>> Xem thêm các bài soạn tại chuyên mục: Giải SGK Địa lí 12 – Kết nối tri thức

—————————————-

Từ những lời giải chi tiết cho bài học SGK Địa 12 Kết nối tri thức Bài 4: Thực hành: Viết báo cáo về sự phân hóa tự nhiên Việt Nam Tritue360 đã hướng dẫn trên đây. Hi vọng sẽ đem lại cho các em nhiều kiến thức bổ ích trên con đường học tập và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới. Chúc các em học tốt!

Mục lục

Danh sách

Mục lục