I. Dân số
Câu hỏi 1 (trang 32) Địa 12 Cánh Diều Bài 6: Dựa vào thông tin và hình 6.1, hãy trình bày đặc điểm dân số của nước ta.
Trả lời:
– Quy mô dân số và tình hình tăng dân số:
+ Năm 2021, Việt Nam có số dân là 98,5 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 trong số hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
+ Dân số tăng nhanh trong nửa cuối thế kỉ XX, ở giai đoạn 1954 – 1960 mức gia tăng dân số lên tới 3,9 % đã dẫn tới hiện tượng bùng nổ dân số. Từ năm 1989 đến nay, tỉ lệ tăng dân số có xu hướng giảm nhưng mỗi năm nước ta vẫn tăng thêm khoảng 1 triệu người.
– Cơ cấu dân số theo dân tộc:
+ Nước ta có 54 dân tộc cùng sinh sống, dân tộc Kinh (khoảng 85,3%), các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14,7%.
+ Hiện nay, có trên 5 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài.
– Cơ cấu dân số theo giới tính:
+ Tỉ số giới tính của dân số nước ta năm 2021 là 994 nam/100 nữ.
+ Tỉ số giới tính có sự khác nhau giữa các nhóm tuổi.
+ Tình trạng mất cân bằng giới tính đang diễn ra ở lứa tuổi sơ sinh khá nghiêm trọng với 112 nam/100 nữ (năm 2021).
– Cơ cấu dân số theo tuổi: Cơ cấu dân số theo tuổi của nước ta đang thay đổi theo hướng giảm tỉ trọng dân số nhóm 0 – 14 tuổi, tăng tỉ trọng dân số nhóm 15 – 64 tuổi và từ 65 tuổi trở lên.
– Phân bố dân cư:
+ Mật độ dân số trung bình của nước ta là 297 người/km2 (năm 2021).
+ Phân bố dân cư không đều giữa đồng bằng với trung du và miền núi, giữa các vùng kinh tế, giữa thành thị và nông thôn: Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên là hai vùng có mật độ dân số thấp nhất, lần lượt là 136 người/ km2 và 111 người/km2. Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có mật độ dân số cao nhất, lần lượt là 1 091 người/ km2 và 778 người/km2 (năm 2021).
+ Tỉ lệ dân thành thị và nông thôn đang có sự thay đổi theo thời gian. Tỉ lệ dân thành thị tăng lên trong tổng dân số do quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đẩy nhanh quá trình đô thị hoá ở nước ta.
Câu hỏi 2 (trang 32) Địa 12 Cánh Diều Bài 6: Dựa vào thông tin bài học, hãy phân tích thế mạnh và hạn chế về dân số nước ta.
– Thế mạnh:
+ Quy mô dân số đông nên có nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn.
+ Nước ta có nhiều dân tộc, các dân tộc luôn đoàn kết, tạo nên sức mạnh dân tộc trong xây dựng và phát triển đất nước. Các dân tộc còn tạo nên nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, có giá trị để phát triển du lịch.
– Hạn chế:
+ Dân số đông gây sức ép lên kinh tế, xã hội và môi trường.
+ Dân cư phân bố chưa hợp lí ảnh hưởng đến việc khai thác tài nguyên và sử dụng nguồn lao động.
Câu hỏi 3 (trang 33) Địa 12 Cánh Diều Bài 6: Dựa vào thông tin bài học, hãy:
– Nêu chiến lược và giải pháp phát triển dân số ở nước ta.
– Liên hệ với địa phương em.
Trả lời:
* Chiến lược
Nửa cuối thế kỉ XX, nước ta có mức sinh cao nên chính sách dân số tập trung vào kế hoạch hoá gia đình với mục tiêu giảm mức sinh. Mức sinh của nước ta đã giảm và hiện đang ở mức thấp nên chiến lược phát triển dân số ở nước ta tập trung vào:
– Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng.
– Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là các dân tộc thiểu số rất ít người.
– Đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi hợp lí, nâng cao chất lượng dân số.
– Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh và bền vững, thích ứng với già hoá dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi.
– Thúc đẩy phân bố dân số hợp lí và đảm bảo an ninh quốc phòng.
* Giải pháp
– Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số.
– Đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số.
– Phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số, như: tư vấn và khám sức khoẻ trước hôn nhân, chăm sóc các bà mẹ mang thai trước và sau sinh, chăm sóc sức khoẻ người dân, sức khoẻ người cao tuổi.
– Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học về dân số và phát triển, hoàn thiện
hệ thống thông tin, số liệu dân số.
– Tăng cường hợp tác khu vực, quốc tế trong lĩnh vực dân số.
* Liên hệ với địa phương: Hà Nội
– Chiến lược:
+ Kiểm soát quy mô dân số: Hà Nội đặt mục tiêu duy trì quy mô dân số trong khoảng 13 triệu người đến năm 2030.
+ Cải thiện chất lượng dân số: Nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp và sức khỏe cho người dân.
+ Phân bố dân số hợp lý: Phát triển đô thị theo hướng đa cực, giảm tải cho khu vực trung tâm.
– Giải pháp:
Kiểm soát quy mô dân số:
+ Hạn chế nhập cư: Tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra tạm trú, tạm vắng. Hạn chế cấp phép xây dựng nhà cho người nhập cư không có việc làm ổn định.
+ Giảm tỷ lệ sinh: Tuyên truyền, giáo dục về kế hoạch hóa gia đình. Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
II. Lao động
Câu hỏi 4 (trang 34) Địa 12 Cánh Diều Bài 6: Dựa vào thông tin bài học, hãy trình bày đặc điểm nguồn lao động của nước ta.
– Số lượng lao động: năm 2021, lực lượng lao động nước ta là 50,6 triệu người, chiếm 51,3% tổng số dân, bình quân mỗi năm tăng thêm khoảng 1 triệu lao động.
– Chất lượng lao động: lao động nước ta có nhiều kinh nghiệm sản xuất trong nông nghiệp, lâm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, cùng với truyền thống được tích lũy qua nhiều thế hệ. Chất lượng lao động ngày càng tăng, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo tăng đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Câu hỏi 5 (trang 35) Địa 12 Cánh Diều Bài 6: Dựa vào thông tin bài học, hãy phân tích tình hình sử dụng lao động ở nước ta trong các ngành kinh tế, theo thành phần kinh tế, theo khu vực thành thị và nông thôn.
Trả lời:
III. Vấn đề việc làm
Câu hỏi 6 (trang 36) Địa 12 Cánh Diều Bài 6: Dựa vào thông tin bài học, hãy:
– Phân tích vấn đề việc làm ở nước ta.
– Nêu các hướng giải quyết việc làm ở nước ta.
Trả lời:
* Phân tích
– Sự phát triển của các ngành kinh tế, đa dạng hoá các loại hình sản xuất và sự ra đời của nhiều hoạt động dịch vụ mới đã tạo thêm nhiều việc làm mỗi năm.
– Tuy nhiên, tỉnh trạng thất nghiệp và thiếu việc làm là vấn đề cần quan tâm trong phát triển kinh tế – xã hội.
– Năm 2021, tỉ lệ thất nghiệp của nước ta là 3,20 %, trong đó thành thị là 4,33% và nông thôn là 2,50%, tỉ lệ thiếu việc làm của cả nước là 3,10%, trong đó thành thị là 3,33 % và nông thôn là 2,96%.
* Giải pháp
– Đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều lao động.
– Nâng cao năng lực dự bảo về nhu cầu việc làm.
– Tăng cường đào tạo nghề, chủ động xã hội hoá trong công tác đào tạo nghề,
– Đào tạo lao động các ngành gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến, các ngành khoa học nền tảng cho phát triển khoa học – công nghệ, Tăng cường truyền thông chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm.
Luyện tập & Vận dụng
Luyện tập 1 (trang 36) Địa 12 Cánh Diều Bài 6: Dựa vào bảng 6.1, hãy:
a) Vẽ biểu đồ thể hiện quy mô dân số và tỉ lệ gia tăng dân số ở nước ta giai đoạn 1999 – 2021.
b) Nhận xét và giải thích về quy mô dân số và tỉ lệ gia tăng dân số ở nước ta trong giai đoạn 1999 – 2021.
Lời giải:
a) Vẽ biểu đồ thể hiện quy mô dân số và tỉ lệ gia tăng dân số ở nước ta giai đoạn 1999 – 2021.
b) Nhận xét và giải thích về quy mô dân số và tỉ lệ gia tăng dân số ở nước ta trong giai đoạn 1999 – 2021.
– Nhìn chung trong giai đoạn 1999 – 2021 quy mô dân số của nước ta có xu hướng tăng, tỉ lệ gia tăng dân số có sự biến động song có xu hướng giảm, cụ thể:
+ Dân số nước ta tăng liên tục trong giai đoạn 1999 – 2021, tăng từ 76,5 triệu người (1999) lên 98,5 triệu người (2021).
+ Tỉ lệ gia tăng dân số có sự biến động: giai đoạn 1999 – 2009 tỉ lệ gia tăng dân số giảm từ 1,51% xuống 1,06%, giai đoan 2009 – 2019 tỉ lệ này tăng lên đạt 1,15, sau đó đến năm 2021 tỉ lệ này lại giảm chỉ còn 0,94%.
– Do kết quả của việc thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình nên trong giai đoạn 1999 – 2021 mức gia tăng dân số của nước ta có giảm nhưng còn chậm, vì thế mỗi năm dân số nước ta vẫn tăng thêm khoảng 1 triệu người.
Vận dụng 2 (trang 36) Địa 12 Cánh Diều Bài 6: Thu thập tài liệu và viết một đoạn văn ngắn về lao động hoặc các loại việc làm ở địa phương em.
Đoạn văn tham khảo:
– Thủ đô Hà Nội là một trong những thị trường lao động lớn nhất cả nước. Năm 2022, Hà Nội có khoảng 4 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên, trong đó, khoảng 50,3% là lao động đã qua đào tạo. Năng suất lao động đạt 304,76 triệu đồng/người/năm cao hơn trung bình cả nước (187,99 triệu đồng/người/năm).
– Với nguồn lao động dồi dào, có chất lượng cao, Hà Nội chủ trương phát triển thị trường lao động theo hướng bền vững, trở thành động lực quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.
>>> Xem thêm các bài soạn tại chuyên mục: Giải SGK Địa lí 12 – Cánh Diều
—————————————-
Từ những lời giải chi tiết cho bài học SGK Địa 12 Cánh Diều Bài 6: Dân số, lao động và việc làm mà Tritue360 đã hướng dẫn trên đây. Hi vọng sẽ đem lại cho các em nhiều kiến thức bổ ích trên con đường học tập và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới. Chúc các em học tốt!